Làng Xuân Lai, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình vốn được coi là cái nôi của nghề tre trúc nức tiếng từ bao đời. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, các bậc tiền nhân và thế hệ hôm nay vẫn gìn giữ và bảo tồn những tinh hoa của làng nghề. Đặc biệt, ngày 10/3/2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa làng nghề thủ công tre, trúc Xuân Lai vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Xuân Lai đã và đang nỗ lực bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị làng nghề truyền thống.
Bức tứ bình – sản phẩm của làng nghề tre trúc Xuân Lai
Làng nghề tre, trúc truyền thống Xuân Lai có lịch sử phát triển lâu đời. Xưa kia, người dân tự mày mò để làm ra các đồ dùng phục vụ sinh hoạt trong gia đình như đan thúng, rổ, rá, chõng tre, giường, tràng kỷ… Đến nay, dưới bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của các nghệ nhân Xuân Lai, cây tre được biến tấu thành những sản phẩm có giá trị sử dụng và nghệ thuật cao như: Tranh tre, nội thất bằng tre và cả những công trình kiến trúc, khuôn viên được thiết kế trang trí từ tre hun Xuân Lai. Nhiều hộ gia đình thành lập các cơ sở sản xuất, kinh doanh có quy mô lớn.
Hiện nay, Xuân Lai có 255 hộ sản xuất nghề tre, 45 hộ chuyên sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ và sản phẩm chất lượng cao từ tre trúc, thu hút 540 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 3-5 triệu đồng/người/tháng.
Cơ sở sản xuất tre trúc của gia đình ông Nguyễn Tiến Dựng – một trong những gia đình theo nghề tre, trúc truyền thống. Ông là thế hệ thứ 3 nối nghiệp gia đình và đến đời con ông là thế hệ thứ 4. Hiện tại, cơ sở sản xuất của ông có hơn chục nhân công lao động thường xuyên với mức lương duy trì từ 4-6,5 triệu đồng/người/tháng. Các sản phẩm tại cơ sở chuyên sản xuất như: giường, tủ, bàn ghế, tràng kỷ…
Để tạo nên một bức tranh đẹp, yêu cầu quan trọng nhất phải có nguyên liệu tốt. Tre được nhập về phải tươi bóng, đủ tuổi thu hoạch, được người thợ ngâm dưới nước khoảng 4 tháng để đảm bảo độ bền, không bị mối mọt và tăng độ dẻo dai. Sau khi vớt lên, những cây tre thô đó sẽ được “lão thợ” có tay nghề uốn nắn cẩn thận thành những cây sào thẳng tắp rồi mang đi cạo bì, đẽo mẫu, phơi khô. Đặc biệt, đối với những sản phẩm làm từ tre, nứa, nếu không được phơi dưới trời nắng to, chưa đủ khô sẽ làm màu tranh thâm lại. Sau đó, nứa được xếp ngay ngắn vào lò và được hun bằng rơm. Khi hun, quan trọng nhất là lò hun phải kín, khói lan tỏa đều, lửa không được cháy. Sau vài ngày, tre nứa được mang ra sẽ chuyển sang màu vàng bóng hoặc nâu sẫm. Bằng tâm huyết, tài năng và trí óc, những người thợ sáng tạo, ứng dụng tre trúc thành nhiều loại sản phẩm khác nhau, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Từ những đồ dùng gia đình đơn giản như thang sào, chiếu, giường tủ… với những nét hoa văn độc đáo và màu hun khói đặc trưng không ở đâu có được.
Công đoạn người thợ uốn tre trúc cho thật thẳng trên lò đốt
Ngoài những sản phẩm tre trúc như bàn, ghế, giường, tủ, tràng kỷ… Xuân Lai phát triển nghề truyền thống với những sản phẩm tinh xảo: tranh tre trúc nghệ thuật. Ông Nguyễn Đình Quang – người thợ bậc thầy về tranh tre trúc tại Xuân Lai. Tre trúc sau khi làm sạch, được xếp lại với nhau theo các kích thước của từng khung tranh, người thợ khéo tay chạm, vẽ thành các bức với nội dung phong phú: tranh Đông Hồ, bức tứ bình, tứ quý, cá chép trông trăng… Tranh tre, trúc là sản phẩm thủ công mỹ nghệ đòi hỏi sự cẩn thẩn, tỉ mỉ và khéo tay của các nghệ nhân tre trúc.
Những người như ông Dựng, ông Quang là một trong số hơn 40 hộ chuyên sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ tre, trúc của Xuân Lai. Với họ, giữ gìn và phát triển nghề không chỉ giải quyết kinh tế gia đình mà còn là niềm tự hào của người con làng nghề truyền thống, với Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận. Nghề truyền thống tre, trúc Xuân Lai sẽ đồng hành trong sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương trong sự phát triển chung của xã hội, đất nước.
Các sản phẩm từ tre hun khói của Xuân Lai có mặt ở những cửa hàng lớn trong nước như:Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và còn được xuất khẩu đến một số nước trên thế giới như:Nhật, Mỹ, Đài Loan hay thị trường các nước Châu Âu.
Xưởng sản xuất tranh tre trúc nghệ thuật của ông Nguyễn Đình Quang
Cùng với việc làng nghề tre trúc Xuân Lai được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị làng nghề được các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất và chính quyền địa phương hết sức quan tâm. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của các hộ, cơ sở sản xuất có tiềm năng phát triển tại thôn là mặt bằng sản xuất nhỏ, chủ yếu nằm xen trong khu dân cư. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở ở làng nghề vẫn phải thông qua các khâu trung gian để tiêu thụ làm giảm lợi nhuận. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn xảy ra, ảnh hưởng đến uy tín của làng nghề.
Hy vọng rằng, với những giá trị mà làng nghề truyền thống Xuân Lai đem lại cùng sự nỗ lực, cố gắng gìn giữ, bảo tồn và phát huy của nhân dân và sự quan tâm, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hộ sản xuất, thương hiệu tre trúc Xuân Lai ngày càng được biết đến nhiều hơn tại các thị trường lớn.
Quế Trần
Nguồn: http://bacninhtv.vn