![]() |
Sản phẩm mây tre đan là những tác phẩm nghệ thuật, giá trị văn hóa kết tinh ở trong đó (Ảnh minh họa, nguồn Internet) |
Làng nghề truyền thống mây tre đan Phú Vinh, Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội cách trung tâm Thủ Đô 35 km theo hướng Tây Nam được biết đến như một trong những làng nghề truyền thống có tiếng của Hà Nội. Năm 2002, làng nghề Phú Vinh được công nhận là làng nghề truyền thống mây tre đan với nghề truyền thống lâu đời gần 400 năm nay.
Hiện nay, Phú Vinh có hơn 2400 hộ gia đình làm nghề mây tre đan với hơn 4200 lao động thường xuyên, mức thu nhập bình quân là 3,5 triệu đồng/người/tháng và có 9 nghệ nhân được phong danh hiệu trong đó có 6 nghệ nhân ưu tú. Nét đặc trưng truyền thống trong sản phẩm mây tre đan Phú Vinh là hình dáng tuy đơn giản, mộc mạc nhưng kỹ thuật sản xuất lại rất tinh xảo, đòi hỏi sự công phu của những đôi bàn tay tài hoa, khéo léo.
Trước đây, đồ mây tre đan Phú Vinh sản xuất chủ yếu là để phục vụ cho cuộc sống hàng ngày như: Thúng mủng, dần, sàng, túi, hộp … Ngày nay, có tới hàng trăm mẫu mã, chủng loại, các loại đòi hỏi kỹ thuật cao như tranh chân dung, phong cảnh, hoành phi câu đối, chim thú hay sản phẩm gốm sứ quấn mây, các đồ dùng trang trí nội thất như: chao đèn, rèm cửa … cũng được sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Sản phẩm của làng nghề đã có mặt ở tất cả các châu lục trên thế giới và chen chân được vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc .
Làng Bao La là một làng quê nổi tiếng với làng nghề truyền thống đan lát sản phẩm bằng mây, tre, chế tác đồ dân dụng và mỹ nghệ, thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cơ chế thị trường và cuộc sống hiện đại đã tác động vào nghề đan lát truyền thống của làng. Vì thế, hiện nay, ở làng xuất hiện nhiều sản phẩm mây tre đan mỹ nghệ mang dáng dấp hiện đại bên cạnh những sản phẩm mây tre đan gia dụng truyền thống.
Chất lượng đời sống của người dân tăng cao, thị hiếu của khách hàng không chỉ là những sản phẩm mây tre đan gia dụng mà còn đòi hỏi về tính thẩm mĩ, hoặc kết hợp cả hai. Vì vậy để có thể giới thiệu, quảng bá sản phẩm của làng mình, những người dân làng nghề mây tre đan Bao La buộc phải phát triển thêm nhiều sản phẩm thiên hướng về thủ công mĩ nghệ và thay đổi luôn cách thức tổ chức sản xuất để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng về số lượng lẫn chất lượng trong bối cảnh mới. Hiện nay, làng nghề duy trì hai cách thức tổ chức sản xuất là sản xuất theo gia đình, các hộ gia đình và sản xuất do Hợp tác xã mây tre đan Bao La đứng ra tổ chức.
Trước đây, các sản phẩm của làng nghề chủ yếu mây tre đan gia dụng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong mỗi gia đình, những sản phẩm này được xem là các sản phẩm truyền thống như: Các loại dần, sàn, các loại rổ, rá, trẹt, nong, nia, thúng, xề… Ngày nay, theo định hướng khôi phục ngành nghề truyền thống, các cấp chính quyền địa phương đã tổ chức cho người dân các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật đan lát sản phẩm mới, đáp ứng thị hiếu xã hội như lẵng đơm hoa, lẵng trang trí, các loại giá treo đèn v.v…
Đặc biệt từ sau khi Hợp tác xã mây tre đan Bao La được thành lập năm 2007 thì ngày càng có nhiều sản phẩm mây tre đan thủ công mỹ nghệ mang dáng dấp hiện đại, các loại đèn trang trí với hình dáng và kích cỡ khác nhau: Đèn lục bình, đèn lục giác, đèn ống tre, đèn bát, đèn trái lựu… các sản phẩm ngư nghệ như: Ghe đua, ghe buồm, chơm cá… phục vụ cho các nhà hàng, khách sạn, quán cafe và phục vụ khách du lịch. Mẫu mã các loại đèn mây tre đáp ứng nhu cầu của thị trường, thị hiếu của người sử dụng trong xã hội hiện nay giúp nghề truyền thống của làng không bị mai một và tàn lùi dần theo thời gian trước sự cạnh tranh của các sản phẩm bằng nhựa, giá rẻ.
Trong những năm gần đây, người làm nghề mây tre đan ở Cao Phong – xã Cao Phong, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) đã được tiếp cận với công nghệ sơ chế mây. Nghề sơ chế mây ở Cao Phong hiện nay được xem là chiếm ưu thế hơn, đem lại nguồn thu nhập cao hơn so với các nghề khác, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 1.000 lao động, với mức thu nhập ổn định từ 3- 4 triệu đồng/người/tháng. Tổng doanh thu hàng năm đạt khoảng 25 tỷ đồng. Hiện có tới 80% số hộ của làng nghề tham gia sản xuất tại nhà, thu hút nhiều lao động nhàn rỗi, từ người già cho tới các em nhỏ.
Theo thống kê của Hội làng nghề xã Cao Phong, Hợp tác xã Mây tre đan hiện nay có khoảng 1.000 hộ làm nghề mây tre đan, trong đó có 2 doanh nghiệp lớn sản xuất mây tre đan xuất khẩu là Thịnh Hoàng và Tiến Đa. Hàng ngày, cả xã sản xuất hàng chục tấn mây cây, phục vụ sản xuất tại chỗ và xuất đi các làng nghề khác trong và ngoài tỉnh. Hàng năm, làng nghề sản xuất được khoảng 500 nghìn sản phẩm, thị trường tiêu thụ chủ yếu đi các tỉnh miền Bắc như: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam… Nhiều sản phẩm mỹ nghệ trang trí có giá trị kinh tế cao xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và các nước Đông Âu. Nhờ sự mạnh dạn phát triển nghề, đến nay đã có khoảng 95% số lao động của xã có việc làm thường xuyên, thu thập bình quân đầu người không ngừng tăng lên, đạt trên 25 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5%.
Có thể thấy sản phẩm mây tre đan hiện nay không còn là hàng đan mây, tre với nghĩa thông thường nữa mà là những tác phẩm nghệ thuật, giá trị văn hóa kết tinh ở trong đó. Với bàn tay khéo léo và tài tình, sự mày mò, sánh tạo từng bước đi, từ mây, tre người thợ, người dân làm nghề đã tạo ra những sản phẩm mang nét tự nhiên hết sức quyến rũ, vừa mang giá trị sử dụng vừa coi trọng yếu tố thẩm mĩ.
Ông Thái Đại Phong – Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong (Nghệ An) cho biết: Nhu cầu tiêu thụ hàng mây tre đan của đơn vị là khá lớn, với thị trường xuất khẩu có nhiều tiềm năng. Hiện, công ty đang xuất khẩu hàng mây tre đan trực tiếp sang các nước như: Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Thủy Điển, Đan Mạch, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc… Sản phẩm chủ yếu là đèn, các loại khay, hộp quà tặng, hộp bao bì.
Để nghề mây tre đan phát triển, chính quyền địa phương và các cấp ngành cần khẩn trương tổ chức củng cố các làng nghề, đào tạo mới, tập huấn nâng cao tay nghề cho lao động ở các làng nghề; quy hoạch vùng nguyên liệu, chú trọng chất lượng, mẫu mã, nhãn mác, đầu tư công nghệ, máy móc. Ngoài ra, các địa phương cần quan tâm chỉ đạo việc chủ động thành lập các tổ hợp tác, HTX và doanh nghiệp tại các làng nghề để làm “bà đỡ” cho các làng nghề bảo tồn và phát triển…