Cây tre cũng tạo nên hình ảnh đặc trưng cho văn hoá nông thôn và là nguồn cảm hứng bất tận của các văn nghệ sỹ. Về Xuân Lai bây giờ chúng tôi bắt gặp hàng trăm “nghệ sĩ làng” đang miệt mài thả hồn sáng tác tranh dân gian.
Trong xưởng sản xuất của anh Xuyên, bất cứ ai dù lần đầu hay đã đến đây bao nhiêu lần đi chăng nữa cũng vẫn cứ có cảm giác ngất ngây với tông màu nâu quen thuộc thường thấy của căn bếp Việt Nam. Chỉ với một lưỡi dao nhỏ, sắc lẹm, đường nét tinh tế của các bức tranh dân gian cứ hiện dần lên, thật mộc mạc mà vẫn thật sang trọng. Sự độc đáo, hút hồn của tranh tre Xuân Lai chính từ phương thức sản xuất thủ công, thô mộc “độc nhất vô nhị” này.
Trước đây, làng nghề Xuân Lai vốn đã nổi tiếng khắp vùng với các sản phẩm: Trường kỷ, Giường tây, giát giường… làm từ tre, trúc hun khói. Để tạo dấu ấn riêng trên mỗi sản phẩm, người dân Xuân Lai đã rất sáng tạo khi tô điểm cho lên đó chữ song hỷ, đôi chim bồ câu hay một vài bông hoa bằng công nghệ cạo vỏ tre, trúc cực kỳ điệu nghệ. Sẵn vốn nghề trong tay, nhạy bén với nhu cầu của thị trường, những người tiên phong ở làng như: Lê Xuyên (Hiện tại là HTX Xuân Lai)… đã sớm nắm bắt và tạo nên một dấu ấn mới cho tranh Đông Hồ khi đưa tranh dân gian lên tre, trúc. Chỉ qua một lần tham gia Hội chợ Xuân năm 2000, cơ sở sản xuất Xuyên đã tạo được dấu ấn khó phai với người tiêu dùng (vốn đã quen với tranh Đông Hồ rạng ngời trên giấy điệp) phải ngỡ ngàng. Không chỉ bán tranh, những người thợ còn sáng tác tại chỗ cho khách hàng “Thực mục sở thị” Hữu xạ tự nhiên hương, ngày càng nhiều khách hàng không chỉ trong nước mà cả nước ngoài yêu thích, tìm về với tranh tre. Thật khó để diễn tả cảm xúc khi được thả hồn mình cùng các tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ làng trong một không gian thuần khiết Việt Nam. Người Xuân Lai thật tinh tế khi “dẫn dụ” khách hàng không chỉ đắm say với tranh tre mà còn mê mẩn với đèn lồng, các loại bàn ghế tre, đồ dùng nội thất với tông màu nâu, vàng giản dị đến nao lòng nhưng vẫn thật sang trọng. Anh K bộc bạch: “Làm tranh tre dễ mà cũng rất khó. Tranh tre hun đòi hỏi người làm phải nắm vững kỹ năng tạo hình sao cho thật giống với nguyên mẫu (thực chất là chép lại các bức tranh dân gian và cả tranh hiện đại nữa). Nhưng để thổi hồn vào tranh thì người thợ phải cần cả sự tài hoa của đôi tay, óc sáng tạo và sự tỉ mỉ, kiên trì. Điều quan trọng nhất là không để cho khách hàng thấy nhàm chán về màu sắc cũng như chất lượng nghệ thuật của tác phẩm”.
Làng Xuân Lai bây giờ đã khác xưa nhiều lắm. 46% số hộ trong làng làm nghề đã tạo ra giá trị xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đạt hàng tỷ đồng mỗi năm. Chủ tịch UBND xã Xuân Lai- Lê Văn Tường say sưa nói về dự án quy hoạch khu công nghiệp làng nghề đầy hào hứng và tin tưởng. Mà cũng đúng thôi, làng nghề Xuân Lai có những cá nhân xuất sắc, tiên phong khôi phục và phát huy các giá trị truyền thống của làng thì chính quyền cũng phải có trách nhiệm cùng người dân tạo dựng thế đứng vững chắc cho sản phẩm. Nâng cao chất lượng, đa dạng hoá các mẫu mã sản phẩm mới chỉ là yếu tố Cần, muốn Đủ, người Xuân Lai cần tạo dựng nên những Thương hiệu sản phẩm độc quyền để vươn ra thế giới, để tranh Đông Hồ được hơn một lần thêm rạng rỡ Việt Nam./.
theo xuanlai.com