Bắc Ninh: Xây dựng nhãn hiệu tập thể, tháo gỡ khó khăn cho làng nghề mây tre đan Xuân Lai

TBV – Trong số các làng nghề còn tồn tại đến ngày nay ở Bắc Ninh, có một làng nghề được mệnh danh là “độc nhất vô nhị” – làng nghề mây tre đan Xuân Lai, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình – là nơi sản xuất và lưu giữ những sản phẩm làm bằng mây, tre, trúc nổi tiếng trong và ngoài nước.
Thực trạng làng nghề mây tre đan Xuân Lai

Làng nghề Mây tre đan Xuân Lai được UBND tỉnh Bắc Ninh công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2014. Năm 2016, nghề tre trúc hun khói ở đây được Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Nghề thủ công mỹ nghệ mây tre đan xuất hiện ở Xuân Lai từ hàng trăm năm nay, nhưng là mấy trăm năm thì ngay cả các cụ cao niên trong làng cũng khó có thể xác định chính xác. Nghề cũng trải qua nhiều thăng trầm, theo từng giai đoạn của lịch sử và sự biến động của thị trường. Ông Trần Văn Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lai, chia sẻ: “Xã Xuân Lai chúng tôi có 7 thôn, trong đó thôn phát triển nghề mây tre đan là thôn Xuân Lai. Cả thôn có hơn 900 hộ, trước kia có trên 70% số hộ trong thôn làm nghề tre trúc. Hiện nay, dưới sức ép của thị trường và một số nguyên nhân khác, 1/3 số cơ sở sản xuất mây tre đã bỏ nghề chuyển sang ngành khác, đáp ứng cuộc sống mưu sinh, cả làng chỉ còn khoảng  gần 300 hộ làm nghề”.


Nét tài hoa của người thợ Xuân Lai.
Thương hiệu mây tre đan Xuân Lai trong những năm gần đây cũng bị xâm phạm và lợi dụng trên thị trường, khi có một số cơ sở sản xuất, thi công, kinh doanh sản phẩm này không có cơ sở đặt ở xã Xuân Lai, cũng không sản xuất sản phẩm theo quy trình kỹ thuật của người dân Xuân Lai nhưng vẫn quảng cáo rộng rãi (trên cả internet và các ấn phẩm) là sản phẩm thủ công mỹ nghệ mây tre đan Xuân Lai, gây ảnh hưởng đến uy tín làng nghề và thu nhập của các cơ sở kinh doanh sản phẩm đúng nguồn gốc xuất xứ.

Chính quyền đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho làng nghề

Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế từ những năm 2008, thị trường tiêu thụ trong nước giảm, nguồn nguyên liệu khan hiếm, lương công nhân không đáp ứng được cuộc sống nên làng nghề mây tre đan Xuân Lai càng ngày càng có dấu hiệu mai một.

Trước tình trạng đó, những người thợ lành nghề ở Xuân Lai đã và đang không ngừng đổi mới, tìm hướng phát triển để tháo gỡ khó khăn. Một số cơ sở cũ sáp nhập lại với nhau, một số cơ sở mới của các nghệ nhân mọc lên, tìm kiếm thị trường, tăng cường đổi mới mẫu mã sản phẩm, nâng cao chất lượng, tìm kiếm thị trường xuất khẩu…là các giải pháp trong nỗ lực vượt khó của người dân nơi đây. Tiêu biểu là Công ty CP Giải pháp Xuân Lai của nghệ nhân Lê Văn Xuyên – đơn vị đã từng được nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương về thăm và động viên – đã có nhiều bước chuyển mình trong thời kỳ hội nhập. Sản phẩm của công ty đã được xuất khẩu đi thị trường các nước Nhật Bản, Mỹ, EU, Đài Loan…

UBND tỉnh Bắc Ninh cũng như các cấp của huyện, xã đã có những chính sách hỗ trợ cho các cơ sở làm nghề sản xuất mây tre ở Xuân Lai, cụ thể là những chính sách ưu đãi về vốn, cơ sở hạ tầng, tuyên truyền nâng cao nhận thức về giữ gìn nghề truyền thống… Cụ thể năm 2016, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt và giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Tre trúc Xuân Lai” cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ mây tre của làng nghề truyền thống xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh” nhằm bảo tồn và phát huy nghề truyền thống của địa phương. Dự án góp phần vào việc nâng cao uy tín và chất lượng sản phẩm cũng như tháo gỡ khó khăn về mặt thị trường và cạnh tranh cho các sản phẩm của làng nghề.

Theo ông Nguyễn Văn Đông -Trưởng phòng quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Ninh cho biết: Bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ trong khuôn khổ dự án như, thiết kế logo hệ thống nhận diện cho sản phẩm, tổ chức các cuộc hội thảo để hoàn thiện hệ thống công cụ quản lý nhãn hiệu tập thể, tập huấn nâng cao kiến thức về sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu tập thể cho bà con trong vùng dự án, xây dựng phóng sự để quản bá giới thiệu sản phẩm… Sở đã lựa chọn và phối hợp với đơn vị tư vấn (Công ty IPASPRO) hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể “Tre trúc Xuân Lai” nộp Cục Sở hữu trí tuệ.

Hy vọng, với sự cố gắng nỗ lực, ý thức giữ gìn nghề truyền thống của người dân và sự vào cuộc hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, làng nghề mây tre đan Xuân Lai sẽ sớm tháo gỡ được các khó khăn hiện tại cũng như ngày càng phát triển nghề truyền thống, giữ được nét văn hoá hồn Việt trong các sản phẩm của mình.

Vân Hội